Chương 1 vượt qua nỗi sợ để đến trường
Truyện ngắn: vượt qua nỗi sợ đến trường
Tôi là một công nhân và cũng là một bà mẹ đơn thân, công việc rất bận rộn nhiều khi phải tăng ca về muộn. Nhà lại neo người, ít có thời gian để chăm sóc con. Nên tôi phải gửi con ở những người trông trẻ tư, từ lúc cháu mới 8 tháng tuổi.
Lớn lên một chút tôi gửi con ở nhà trẻ tư nhân. Từ đó, con tôi trở nên rất khó chăm sóc, ít cười nói, lại hay khóc đêm. Cứ mỗi lần đến trường là cháu khóc lóc không chịu đi thậm chí còn bỏ chạy. Khiến việc đưa con đi học rất khó khăn, nhiều lúc phải đi làm muộn.
Một lần, trong lúc tắm cho con, tôi thấy mấy vết hằn ở đó. Tôi vội vã hỏi con:
– Cổ con bị làm sao đây?
Con trai tôi lắc đầu trả lời:
– Con không biết.
Tôi định bụng sẽ tới trường hỏi cô giáo, thì ngay đêm hôm đó, con tôi vừa khóc vừa nói mơ:
– Cháu ngoan rồi, cháu ngoan rồi. Từ giờ cháu không như thế nữa. Cháu sẽ không khóc nữa. Châu xin bà.
Ngày hôm sau, tôi tới hỏi giáo viên phụ trách. Cô ta trả lời:
– Cái này cô không biết. Chắc là do các con gì đốt hoặc do các cháu nô nghịch nên bị vậy.
Tôi tức giận gầm lên:
– Cô nói thế mà nghe được à? Cháu gửi con ở chỗ cô, cô phải có trách nhiệm chứ.
– Cháu nói hay thật đấy, bọn trẻ nhiều như vậy đánh nhau làm sao cô biết được.
Thật sự rất tức giận vì sự vô trách nhiệm của người giáo viên đó. Ngay lập tức tôi cho cháu nghỉ học.
Nửa năm sau, tôi cho cháu đi học lại tại trường mầm non thị trấn Nho Quan. Năm đó con tôi 3 tuổi. Cháu được phân công vào học lớp của cô giáo Tình.
Ban đầu, khi biết mình sẽ phải đi học. Cháu kháng cự rất dữ dội, khóc lóc, bỏ chạy. Phải hai người mới đưa được cháu đến trường.
Nhưng hai ngày sau, cháu đã thay đổi, hôm đó là ngày thứ bảy. Bỗng nhiên ngủ dậy con tôi hỏi:
– Mẹ ơi! hôm nay có phải đi học không?
Tôi chuẩn bị đồ đi làm, quay sang trả lời:
– Không con ạ. Hôm nay là thứ bảy, không phải đi học.
Con tôi tụt nhanh xuống giường, túm lấy tay tôi vừa lay lay vừa nói:
– Mẹ ơi! Cho con đi học cô Tình nha mẹ. Con hứa con sẽ không khóc nữa đâu.
Thật sự tôi rất bất ngờ vì câu nói của con trai, tôi nhìn thẳng vào con hỏi:
– Sao Nhím lại muốn đi học cô Tình vậy? Mẹ nhớ là con sợ đi học lắm mà.
Con trả lời:
– Con không sợ. Cô Tình thương con lắm, cô cho con kẹo nè, dạy con hát né, cô bênh vực con khi các bạn đánh con. Cô bảo đánh nhau là hư, đánh nhau là không ngoan. Các bạn phải yêu thương nhau. Cô còn bắt bạn làm sai xin lỗi con. Khi con vẽ cô khen con vẽ đẹp. Bảo các bạn vỗ tay khen con nữa. Cô còn bảo, con không được khóc nhè, con phải mạnh mẽ để bảo vệ mẹ. Mẹ đã vất vả nuôi con, rất cần một người bảo vệ. Con là con trai, là người mạnh mẽ để bảo vệ mẹ. Nếu con khóc, con sẽ trở thành người yếu đuối, không thể bảo vệ mẹ được. Từ giờ con sẽ không khóc nữa để bảo vệ mẹ.
Nghe thấy lời con trai nói, tôi thật sự rất ngạc nhiên. Mới chỉ hai ngày, từ một đứa trẻ không thích đi học, khóc lóc ỉ ôi không muốn đến trường, trở thành một đứa trẻ thích đến trường và và mong muốn đến trường. Tôi tự hỏi cô giáo ấy đã làm cách nào mà có thể khiến con tôi yêu thích trường học đến như vậy?
Những ngày sau đó, tôi được con trai kể về cô giáo của mình, kể về những việc tốt mà cô ấy làm cho con tôi. Tôi thầm thấy may mắn, khi gặp được cô.
Tôi còn nhớ, có lần tôi quên không bỏ sữa vào cặp cho con. Lúc về con nói:
– Mẹ ơi! Tại sao hôm nay mẹ không mua sữa cho con. Cô Tình phải đội nắng đi mua cho con đó. Lần sau mẹ đừng quên nhé. Không cô ấy đi nắng bị ốm thì sao?
Khi biết sự bất cẩn của mình đã làm cô giáo phải đi nắng mua sữa cho con. Tôi thật sự rất áy náy.
Hôm sau khi đưa con đến trường, tôi nói với cô giáo:
– Em thật sự xin lỗi chị. Hôm qua em sơ ý quá, quên mất không để sữa cho cháu. Chị cho em gửi tiền sữa hôm qua với ạ.
Cô Tình mỉm cười nói:
– Đáng bao nhiêu đâu em. Em một mình nuôi con vất vả đôi lúc quên là bình thường. Chị không lấy đâu, cái này là chị cho cháu. Em cứ giữ lấy đi.
Nghe những lời nói ấy, tôi thật sự cảm kích vì tấm lòng của cô ấy, một người giáo viên tốt bụng và nhiệt tình.
Có những lần bố tôi bận, 6 giờ tối chưa thấy ai tới đón, cô ấy còn đưa con tôi về tới tận nhà. Sau đó bố tôi nằm viện, không còn ai có thể nhờ đón con, tôi gọi điện nhờ cô ấy đưa con về nhà cô ấy cho tới lúc tôi đi làm về.
Ban đầu tôi cứ ngỡ cô ấy sẽ từ chối, nhưng không ngờ cô ấy lại đồng ý luôn. Không những thế, cô Tình còn rất nhiệt tình. Cô ấy đưa con tôi về nhà mình, cho cháu ăn uống, tắm giặt, dỗ con ngủ.
Khi tôi ngỏ ý bồi dưỡng ngoài giờ, cô ấy đã từ chối, và nói với tôi rằng:
– Ai cũng có lúc khó khăn, chị chỉ giúp được có một chút thôi. Không có gì đáng kể. Em cầm lấy để con lo viện phí cho bố.
Thời gian cứ thế trôi đi, nhìn thấy sự thay đổi từng ngày của con trai nhỏ, cháu vui vẻ, ngoan ngoãn, thích học tập, ca hát, thích đến trường thậm chí cả ngày thứ bảy chủ nhật. Khiến tôi cảm thấy vui mừng, an tâm khi giao con cho cô ấy.
Cũng rất may, cô dạy con tôi từ lớp 3 tuổi đến năm lớp 5 tuổi. Hình thành cho con tôi rất nhiều thói quen tốt như: tự lập, ngoan ngoãn, nghe lời, không nói tục, tự giác học tập…
Tôi không biết sẽ như thế nào nếu không gặp cô, một cô giáo yêu trẻ thương trẻ như chính con ruột của mình.
Bây giờ, đã nhiều năm trôi qua, tôi vẫn nhớ và kính trọng tấm lòng của cô. Hy vọng cô sẽ luôn là một người mẹ hiền nâng bước những mầm non.