Xưa trong kí ức
Xưa Trong Ký Ức.
Tác giả: Anydinh.
Ngày xưa, đêm tối thực sự đáng sợ?
Đêm tối ngày xưa, không phải là cái nhá nhem tối của những con đường có đèn cao áp như bây giờ, mà là một màn đêm đen kịt, đặc quánh như mực tàu.
Ở quê, ánh sáng là thứ vô cùng xa xỉ. Nhà nào có một cái bóng đèn nhỏ le lói đã là tốt lắm rồi. Nhưng điện đâu có rẻ, người ta chỉ dám thắp lên khi ăn cơm rồi lại vội vã tắt đi, nhường chỗ cho ánh đèn dầu leo lét, thứ ánh sáng mờ ảo chỉ chiếu được một góc nhỏ nơi đặt nó, và mỗi khi có gió, ánh sáng chập chờn như sắp tắt đến nơi.
Con đường làng không có lấy một ngọn đèn, xung quanh chỉ toàn là màu đen, bóng tối dường như nuốt chửng hết mọi thứ vào trong bụng. May mắn lắm thì được ngày trời quang ánh trăng chiếu rọi mặt đất.
Trẻ con khi ấy không sợ điện thoại hết pin, không lo mất wifi, mà sợ không tìm thấy lối về. Đường từ nhà này sang nhà khác dù gần đến mấy, nhưng khi đi trong đêm lại giống như một cuộc phiêu lưu vào một thế giới khác. Bước chân lạo xạo trên con đường đá sỏi, không cẩn thận có thể vấp ngã bất cứ lúc nào.
Những bóng cây đung đưa trong gió thoạt nhìn tựa như những bóng ma trườn mình ra để bắt lấy bọn trẻ con.
Nhưng cũng chính cái bóng tối ấy lại tạo nên những câu chuyện ly kỳ. Nơi hiên nhà, bên ngọn đèn dầu lập lòe, đám trẻ quây quần bên ông bà để nghe kể chuyện ma, nào là chuyện hồn ma bóng quế lẩn khuất ngoài bờ ao, chuyên rình bắt những đứa trẻ không nghe lời trốn xuống nước tắm. Nào là con quỷ nơi gốc đa đầu đình, nằm vắt vẻo trên cây, sẵn sàng đẩy ngã những đứa trẻ không ngủ trưa trốn bố mẹ đi leo cây. Hay những con tinh, con tà trốn nơi góc vườn chuối chỉ chờ người đến là nhảy ra hớp hồn.
Mỗi câu chuyện đều như dệt thêm một tầng huyền bí cho màn đêm vốn đã đen đặc. Mặc dù rất sợ những câu chuyện ấy, nhưng đám trẻ con vẫn háo hức lắng nghe, một phần là vì tò mò với thế giới tâm linh, một phần là vì muốn được nghe người lớn kể chuyện, có những câu chuyện khiến lũ trẻ sợ đến nỗi không dám ngủ riêng mà phải rúc vào nhau để ngủ, chẳng dám thò chân ra khỏi giường.
Ngày ấy, đám trẻ con dù rất sợ tối, nhưng vẫn thích rủ nhau rong chơi khắp làng, cho dù là trời nhá nhem tối hay là lúc đêm muộn. Thời ấy, không có điện thoại để gọi mấy đứa trẻ về nhà, mà là tiếng mẹ gọi về, tiếng gọi ấy lớn đến độ từ đầu làng đến cuối làng vẫn có thể nghe thấy rõ ràng:
– … Mấy đứa chúng mày có về ăn cơm không thì bảo? Trời tối rồi đấy.
Chỉ cần nghe tiếng gọi ấy là đứa nào đứa nấy chạy bắn cả dép để về nhà.
Giờ đây, cái đêm tối của ngày xưa không còn nữa, thay vào đó là ánh đèn rực rỡ khắp phố phường, làng quê cũng sáng hơn với những cột đèn đường. Trẻ con không còn chạy nhảy ngoài sân, thay vào đó là chăm chú nhìn vào màn hình điện thoại, chơi những trò chơi ảo. Bố mẹ cũng chẳng còn phải đứng ngoài ngõ gọi con về ăn cơm nữa, mà chỉ cần nhắn một tin trên Zalo hay message là chúng tự khắc đi về.
Thời gian thay đổi, còn người thay đổi, xã hội cũng thay đổi theo, mỗi thời một khác, mọi thứ ngày một hiện đại hơn, nhưng đôi khi nhớ lại, tôi vẫn thèm cái cảm giác tối trời của ngày xưa ấy, thứ bóng tối khiến người ta xích lại gần nhau hơn, chuyện trò nhiều hơn, và làm cho trẻ con biết sợ theo một cách rất thơ ngây.